Heal - Share - Wish - Dynamic
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Heal - Share - Wish - Dynamic

CLB Sinh Viên Khuyết Tật Hà Nội

Hãy đăng ký là thành viên của CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội tại địa chỉ email: hswdclub@gmail.com với Tiêu đề: Đăng ký làm thành viên. CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, nơi giao lưu vượt qua mọi rào cản xã hội.

You are not connected. Please login or register

Đan Mạch – xứ sở của những câu chuyện cổ tích

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Admin

Admin
Admin

Để bắt đầu câu chuyện, xin được giới thiệu với mọi người về ba thành viên của Hội người khuyết tật TP. Hà Nội tham gia khóa đào tạo 5 tháng tại Đan Mạch từ đầu tháng 8 đến tháng 12/2010. Đó là Trần Đức Hải - Ủy viên BCH Hội Người khuyết tật Hà Nội, đại diện CLB Ước Mơ Xanh, Nguyễn Thị Mai Khuyên - Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội và Hoàng Hải Yến - thành viên Ban điều hành nhóm Vì tương lai tươi sáng của NKT.

Đan Mạch – xứ sở của những câu chuyện cổ tích Danmach

Ngài H. Kallehauge, Chủ tịch của PTU - Tổ chức đối tác của Hội Người Khuyết tật Hà Nội -
và ba thành viên Của Hội.


Đan Mạch - những cảm nhận


Các cụ nhà ta vẫn bảo "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", câu nói ấy không có sai vào đâu, nhất là với ba anh chị em chúng tôi.

Ngày ra đi, hành trang mà chúng tôi mang sang Đan Mạch là những câu chuyện cổ tích của Andersen về con người Đan Mạch, một vài chiếc áo khoác vì biết Đan Mạch là xứ lạnh, một thùng mỳ tôm và đồ khô vì sợ sang đó ăn không quen đồ Tây và cùng với đó là những khát khao được học hỏi những kinh nghiệm của phong trào người khuyết tật từ một đất nước vốn được biết đến là "hào phóng nhất" trong vấn đề viện trợ phát triển cho các nước nghèo và kém phát triển.

Cảm nhận đầu tiên về đất nước nhỏ xinh với vỏn vẹn chỉ 5.3 triệu dân với tôi là hơi bất ngờ. Bất ngờ vì Đan Mạch không giống như những gì mà tôi tưởng tượng. Tôi nghĩ, đó sẽ phải là những tòa nhà cao chọc trời hay những đại lộ rộng mênh mông bát ngát mà mình được xem trong các bộ phim hành động của phương Tây. Nhưng không... Đan Mạch chỉ có những ngôi nhà nho nhỏ lưa thưa cách xa nhau với một tầng và gác mái thường là màu đỏ, kiểu như những ngôi nhà ở nông thôn trong bộ phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên". Tôi còn nhớ như in lần đầu bật webcam cho bố mẹ xem khung cảnh của trường, bố tôi làm luôn câu "Trường bé quá nhỉ?". Nghĩ mà không nhịn được cười.

Nhưng đúng là những gì bạn nhìn thấy ban đầu từ vẻ bề ngoài chưa chắc đã là những gì thể hiện bản chất bên trong của một sự vật hiện tượng. Sau nhiều ngày sống tại Đan Mạch và được trải nghiệm, tôi nhận ra một điều, điều đơn giản nhất lại là điều tinh tế nhất. Đan Mạch không cần cầu kỳ phô trương bằng vẻ ngoài háo nhoáng của những ngôi nhà, nhưng đi vào bên trong một kết cấu nhà ở hay dịch vụ nào của Đan Mạch, điều mà bạn cảm nhận được là sự thán phục bởi sự tích hợp mọi tiện ích. Ngôi trường chúng tôi ở gọi là Egmont. Trường không rộng lắm nhưng có quang cảnh rất gần gũi với thiên nhiên. Trong các khu nhà ở và phòng học, hệ thống sưởi được trang bị đồng bộ, ở hành lang và thậm chí cả nhà vệ sinh cũng có đầy đủ hệ thống sưởi. Hệ thống cửa là loại cảm ứng, tự động mở và đóng khi có người qua, thậm chí hệ thống đèn phòng tắm cũng là cảm ứng. Mỗi phòng ở đều có hệ thống chuông thông với bộ phận trực để bất cứ học sinh nào nếu có vấn đề gì đều có thể kéo chuông báo và sẽ có người đến giúp ngay tức khắc.

Vậy còn cuộc sống của người khuyết tật tại Đan Mạch ra sao?

Ở Đan Mạch, hệ thống an sinh xã hội vô cùng tốt. Người khuyết tật, người già hay bất cứ người bệnh nào cũng được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí. Nếu ai đó bị khuyết tật, dù là ở dạng nào, chỉ cần đến thông báo với chính quyền là sẽ được nhận hỗ trợ tùy theo mức độ dạng tật. Ví dụ như người khuyết tật vận động được nhận dụng cụ chỉnh hình hoặc xe lăn, người khiếm thị được nhận chó dẫn đường, người khiếm thính được nhận dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, ...

Trường chúng tôi học có 150 học sinh, trong đó có khoảng gần 50 học sinh khuyết tật, chủ yếu là khuyết tật nặng. Các học sinh khuyết tật được trang bị đầy đủ các dụng cụ hỗ trợ như xe lăn điện điều khiển hiện đại, nẹp chỉnh hình, xe máy điện... Các học sinh khỏe mạnh sẽ là người trợ giúp (PA) cho các học sinh khuyết tật và được chính phủ trả lương. Có thể nói, mô hình trường học hòa nhập như ở Egmont là một mô hình rất hay và mang ý nghĩa rất lớn trong hệ thống giáo dục của Đan Mạch. Chính từ ngôi trường này, nhiều thanh niên khỏe mạnh bình thường được tiếp xúc và hiểu về người khuyết tật, được tận tay mình chăm sóc những người khuyết tật như chính người thân của mình và chính từ đây, nhiều bạn trẻ đã trở thành những bác sỹ, những kỹ thuật viên hay chuyên gia tâm lý. Nhiều bạn trẻ học tại trường đã tâm sự với tôi rằng, các bạn rất thích học ở trường Egmont bởi các bạn thấy các bạn tốt hơn lên, biết trân trọng con người hơn.

Khóa học đào tạo Global Line

Chúng tôi không học chung cùng các bạn Đan Mạch mà thuộc vào chương trình Global Line. Lớp chúng tôi gồm 9 học viên đến từ các nước khác nhau như Uganda, Ghana, Philippines và Việt Nam. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Anh và các môn học về các kỹ năng phát triển tổ chức rất mới mẻ đối với tôi, như môn Human Rights (Quyền con người), Democracy (Dân chủ học), Lobbying and Advocacy (Vận động chính sách), Fundraising (Gây quỹ), Logical Frame Work Approach (Cách viết dự án), ...

Mục đích của khóa học Global Line không chỉ dừng lại ở việc đào tạo những cán bộ nguồn phục vụ cho các tổ chức phát triển ở phía Nam bán cầu (như Việt Nam, Philippines, Uganda, Ghana, Nepal, ...), mà hơn hết giúp nâng cao sự tự tin cho chính những học viên tham gia khóa học. Với những môn học ngoại khóa như bơi lội, leo núi hay chèo thuyền, nhiều người trong chúng tôi như đã khám phá thêm được khả năng tiềm tàng trong chính bản thân mình. Tôi rất ấn tượng với câu nói về thể thao dành cho người khuyết tật mà cô giáo dạy thể dục ở đây đã trích dẫn: "Thể thao dành cho người khuyết tật" không phải là một cụm từ dùng để chỉ một điều gì đó khác thường, mà là một cụm từ dùng để chỉ một một điều bình thường".

Đúng vậy, sau khóa học, có rất nhiều điều tôi mà tôi đã lĩnh hội được, nhưng điều làm tôi thay đổi nhiều nhất đó là ở cách nhìn nhận về con người. Lâu nay, xã hội ta vẫn nhìn người khuyết tật ở mặt "sinh học" hơn là ở mặt "xã hội". Vì vậy, vô hình chung đã tạo ra tâm lý thương cảm cho người khuyết tật và xét họ là đối tượng cần được trợ giúp hay làm từ thiện. Ở xã hội Đan Mạch cũng như nhiều nước khác ở phương Tây, mọi người nhìn nhận người khuyết tật là theo khía cạnh xã hội. Bạn chỉ bị khuyết tật khi trong các điều kiện và mối quan hệ xã hội, bạn không thể nào thực hiện được chức năng của mình. Từ trước đến nay, khi chẳng may gặp tai nạn hay bị dị tật bẩm sinh, nhiều gia đình cố gắng tìm mọi cách chữa trị cho con cái của mình, âu cũng là lẽ thường tình của tâm lý con người. Nhưng nếu chỉ tập trung vào việc "sửa chữa" những khiếm khuyết về mặt sinh học mà không chăm lo đến việc phát triển con người toàn diện thì chưa đủ.

Lời kết

Đan Mạch đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Nhờ những chuyến đi thăm các tổ chức của và vì người khuyết tật, những cuộc gặp gỡ với những chuyên gia đáng kính về lĩnh vực khuyết tật, tôi đã thu lượm cho mình nhiều kiến thức và trở nên tự tin hơn để tham gia hoạt động trong phong trào khuyết tật ở Việt Nam.

Một Đan Mạch giản dị mà sâu sắc, với những người bạn mới quen mà đã thành người thân, với những bến cảng nhỏ xinh, với những ngày giá rét âm hàng chục độ, với những con đường ngập phủ tuyết... sẽ là những ấn tượng còn mãi không phai trong lòng ba anh chị em chúng tôi.

Đôi nét về chương trình Global Line
Global Line là một chương trình đào tạo rất tuyệt vời dành cho các cán bộ khuyết tật từ các tổ chức của người khuyết tật ở phía Nam bán cầu. Chương trình học kéo dài 5 tháng tại trường Egmont, Hov, Odder, Đan Mạch. Đây là chương trình được tài trợ bởi DANIDA (Phòng Hỗ trợ phát triển quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch) thông qua Hội khuyết tật Đan Mạch DPOD.
Chúng tôi hy vọng sang năm và nhiều năm tới, khi chương trình có gửi mẫu đăng ký tham gia (khoảng đầu tháng 11), các anh/chị/em xin hãy đừng chần chừ đăng ký. Nếu các anh chị có bất cứ thắc mắc hay chia sẻ gì, xin liên hệ với chúng tôi thông qua Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Mai Khuyên, CLB SVKT, Hội NKT TP. Hà Nội. sunny

Source: Xứ sở của những câu chuyện cổ tích

https://hswd.forum-viet.com

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết