Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Người khuyết tật thiệt đủ đường” phản ánh việc hàng loạt các công trình công cộng không có hạng mục dành cho người khuyết tật (NKT), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội…
PV: Ông đánh giá thế nào về những hạn chế của các công trình công cộng (xe buýt, các trung tâm vui chơi giải trí, cầu vượt cho người đi bộ…) trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vui chơi của NKT hiện nay?
Ông Vũ Mạnh Hùng: Hiện nay các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa và hầu hết các công trình xây dựng, dịch vụ công cộng… không đảm bảo tiếp cận đối với NKT. Mặc dù các công trình tiếp cận dành cho NKT đã rất thiếu thốn song ở nhiều nơi, chỗ lên xuống dành cho NKT lại bị chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác hoặc được đặt ở vị trí xa khuất, không có biển chỉ dẫn khiến NKT vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm. Thậm chí, tại một số công trình xây dựng, các hạng mục dành cho NKT dù đã được xây dựng song chỉ được một thời gian ngắn lại bị phá đi. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực nhà vệ sinh công cộng đều có phòng rộng và có tay vịn, các công viên, khu vui chơi giải trí có các chuẩn về đường đi lại, chỗ đậu xe, khu vệ sinh cho NKT. NKT không chỉ mong muốn được trợ giúp mà còn khát khao khẳng định mình và đóng góp cho xã hội. Việc tự đi lại, tự làm những việc trong khả năng mà không cần nhờ sự giúp đỡ của người khác khiến họ cảm thấy tự tin, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng hơn…
- PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và những ảnh hưởng của nó tới đời sống NKT?
- Ông Vũ Mạnh Hùng: Từ năm 1998, Pháp lệnh về người tàn tật đã quy định rất rõ ràng: Việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà ở, các công trình công cộng và thiết kế, chế tạo các dụng cụ sinh hoạt, các phương tiện giao thông, liên lạc phải tính đến nhu cầu sử dụng thuận tiện của người tàn tật, trước hết là người tàn tật các dạng vận động, thị giác, đồng thời phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Để thực hiện Pháp lệnh trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng các công trình xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải ban hành các văn bản quy định về tham gia giao thông, tiêu chuẩn sản xuất và chế tạo các phương tiện giao thông đảm bảo tiếp cận đối với NKT... nhưng các cơ quan, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định đó, nhất là các công trình tại xã, phường, thị trấn, thậm chí thành phố. Ngay cả một số công trình mới xây dựng như tòa nhà Cung Trí thức thành phố Hà Nội cũng không đảm bảo quy chuẩn, tuy đã có đường đi để NKT dùng xe lăn đi vào sảnh của tòa nhà nhưng bảng điều khiển thang máy không có ký hiệu để người khiếm thị điều khiển, toàn bộ các khu vực vệ sinh NKT đi xe lăn không tiếp cận và sử dụng được… Môi trường tiếp cận không đảm bảo đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của NKT mà đa số là người nghèo, họ không thể hoặc phải trả chi phi nhiều hơn để đi lại học văn hóa, học nghề, đi làm, khám chữa bệnh, tham gia sinh hoạt cộng đồng… vì thế lại càng nghèo và khó hòa nhập với cộng đồng.
- PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và những ảnh hưởng của nó tới đời sống NKT?
- Ông Vũ Mạnh Hùng: Từ năm 1998, Pháp lệnh về người tàn tật đã quy định rất rõ ràng: Việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà ở, các công trình công cộng và thiết kế, chế tạo các dụng cụ sinh hoạt, các phương tiện giao thông, liên lạc phải tính đến nhu cầu sử dụng thuận tiện của người tàn tật, trước hết là người tàn tật các dạng vận động, thị giác, đồng thời phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Để thực hiện Pháp lệnh trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng các công trình xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải ban hành các văn bản quy định về tham gia giao thông, tiêu chuẩn sản xuất và chế tạo các phương tiện giao thông đảm bảo tiếp cận đối với NKT... nhưng các cơ quan, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định đó, nhất là các công trình tại xã, phường, thị trấn, thậm chí thành phố. Ngay cả một số công trình mới xây dựng như tòa nhà Cung Trí thức thành phố Hà Nội cũng không đảm bảo quy chuẩn, tuy đã có đường đi để NKT dùng xe lăn đi vào sảnh của tòa nhà nhưng bảng điều khiển thang máy không có ký hiệu để người khiếm thị điều khiển, toàn bộ các khu vực vệ sinh NKT đi xe lăn không tiếp cận và sử dụng được… Môi trường tiếp cận không đảm bảo đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của NKT mà đa số là người nghèo, họ không thể hoặc phải trả chi phi nhiều hơn để đi lại học văn hóa, học nghề, đi làm, khám chữa bệnh, tham gia sinh hoạt cộng đồng… vì thế lại càng nghèo và khó hòa nhập với cộng đồng.
Xe buýt và cầu vượt bộ hành đều không có lối lên xuống cho người khuyết tật
PV: Việc thực hiện quy định này còn nhiều điều đáng bàn. Theo ông, nguyên nhân có phải là do quy định còn thiếu và chế tài chưa đủ mạnh?
- Ông Vũ Mạnh Hùng: Quy định đã khá đầy đủ và chế tài hiện cũng không thiếu. Nguyên nhân chính là do ý thức và trách nhiệm của cá nhân trước pháp luật và cộng đồng còn yếu. Theo tôi để giải quyết vấn đề này không quá phức tạp, cụ thể là đối với các công trình xây dựng chỉ cần các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm không ký duyệt thiết kế và không ký nghiệm thu các công trình nếu không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng… thì chắc chắn các công trình thiếu hạng mục dành cho NKT sẽ không có đủ điều kiện để đưa vào hoạt động được.
- PV: Với cương vị là Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, ông có kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi cho NKT?
- Ông Vũ Mạnh Hùng: Sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, ngày 17-6-2010, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện Luật Người khuyết tật cũng như các chính sách, các điều liên quan trong các bộ luật hiện hành về NKT, tạo điều kiện để cộng đồng, các tổ chức xã hội của NKT tham gia thực hiện và giám sát quá trình thực hiện luật và chính sách của Nhà nước.
- PV: Xin cảm ơn ông!